Tribal Media House Engineering Blog

Made in Tribal Media House !!!

Tản mạn chuyện kỹ sư cầu nối Nhật Bản

Xin chào mọi người, mình là Trường Giang.

Mình là một kỹ sư công nghệ thông tin và đang làm việc tại công ty Tribal Media House.

 

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với mọi người về những trải nghiệm của bản thân sau 2 năm làm việc tại công ty của Nhật, với vai trò là một kỹ sư cầu nối (viết tắt là BrSE). Hy vọng bài viết sẽ là một tài liệu tham khảo dành cho những bạn đang có ý định trở thành BrSE.

Ngoài ra, qua bài viết này mình cũng muốn nhìn lại chặng đường mà bản thân đã cố gắng, và từ đó có định hướng rõ hơn trên chặng đường sắp tới, với mục tiêu là trở thành một BrSE tốt hơn nữa.

 

※ Mình rất muốn biết cách nghĩ của mọi người nghĩ về BrSE như thế nào. Rất vui nếu có thể nhận được bình luận, tin nhắn từ mọi người. Đây là  Facebook của mình nhé.  

 

Cầu Miyoshi ở cạnh công ty mình

Cầu Miyoshi ở cạnh công ty mình

 

 Giờ chúng ta vào vấn đề chính thôi.

1. BrSE là gì?

Trước tiên, mình xin nói qua một chút về công việc của một BrSE.

 

Mình cũng đã thử tìm hiểu về định nghĩa BrSE, nhưng vẫn chưa tìm thấy một định nghĩa chính thức nào cả. Tuy nhiên, trên Wikipedia có định nghĩa về BrSE như sau:

BrSE nói đến một nhân sự - vai trò là một cầu nối giữa IT và các lĩnh vực khác, ngành khác, kết hợp với một team project để cùng tạo ra một sản phẩm, dịch vụ trong những dự án mang tính quốc tế.

ー Trích dẫn đoạn 「ブリッジシステムエンジニア」trên Wikipedia

 

Mình xin giải thích chi tiết hơn một chút như sau.

BrSE là người kết nối giữa team phát triển offshore và team phát triển onshore. Công việc chủ yếu là  “ cố gắng truyền đạt để team phát triển offshore nắm chắc được các yêu cầu ” , “ hiểu rõ về nội dung của những câu hỏi của team offshore, truyền đạt lại chính xác cho team onshore, cuối cùng là đưa ra câu trả lời cho team offshore” . Tuỳ vào tổ chức và tình hình của team mà cũng có lúc BrSE đảm nhiệm cả vai trò Project manager hay Development manager.

 

※ Trong một số bài viết có nói đến vai trò của BrSE là kết nối team phát triển với khách hàng, tuy nhiên đó không phải là câu chuyện mà mình muốn chia sẻ lần này. (Chi tiết được viết ở mục 3.)

2. Hành trình trở thành một BrSE

Trước khi nói về kinh nghiệm của một BrSE, mình xin chia sẻ đôi chút về bản thân.

Sau khi vào trường Đại học Bách Khoa năm 2010, mình tham gia vào HEDSPI -  một dự án đào tạo kỹ sư IT có sự hợp tác giữa Nhật Bản và trường mình. Trong 5 năm học tại đây, mình học được kiến thức IT, tiếng Nhật, và tất nhiên là cả văn hoá, quy tắc ứng xử của người Nhật.

 

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp đại học, mình vào làm việc tại công ty  Tribal Media House tại Nhật Bản. Công ty mình cũng có cơ sở đại diện ở Hà Nội,  tên là Tribal Media House Technology Lab ( Tech Lab). (Ở thời điểm đó, Tech Lab có khoảng 10 nhân viên, nhưng hiện tại, sau 5 năm, số kỹ sư trẻ đã tăng lên đến gần 40 người rồi.)

 

Sau khi vào Tribal Media House, mình tham gia dự án cocosquare, và phụ trách vận hành và bảo trì cho hệ thống.

Kể từ năm thứ 2 sau khi tốt nghiệp, mình bắt đầu làm công việc của một BrSE, có nhiệm vụ là một cầu nối giữa team Nhật Bản và team phát triển ở Hà Nội. 

 

※ Công việc năm 1 và năm thứ 2 mình có viết trong blog dưới đây, mọi người có thể đọc tham khảo nhé.

TMH3年目のエンジニアの振り返り

3. Công việc BrSE của mình

Như vậy, mình bắt đầu công việc của một BrSE từ năm thứ 2 sau tốt nghiệp. Ngoài công việc kết nối giữa team Nhật Bản và team phát triển ở Hà Nội thì mình cũng làm những công việc khác như là phát triển, vận hành các dự án... Vì thế nội dung công việc có lẽ hơi khác với một BrSE thông thường.

 

Hiện tại, chi tiết công việc BrSE của mình như sau :

  • Trao đổi cùng các thành viên bên phía Nhật; hiểu rõ các yêu cầu, điều kiện của task; chuyển task về cho team phát triển ở Hà Nội.
  • Giải thích đúng được các yêu cầu, điều kiện của task cho team phát triển ở Hà Nội.
  • Nhận và trả lời các câu hỏi, trao đổi, thảo luận từ team phát triển ở Hà Nội.
  • Quản lý tình hình task và tình hình tiến độ phát triển của team phát triển ở Hà Nội.
  • Báo cáo tình hình tiến độ của team phát triển ở Hà Nội cho team Nhật Bản.
  • Review, test, và release source code cho team phát triển ở Hà Nội. ….

 

Từ những kinh nghiệm đã có được, mình nhận thấy hai công việc dưới đây là quan trọng hơn hết đối với một BrSE.

  • Dịch tài liệu và truyền đạt thông tin từ phía Nhật Bản một cách chính xác. 
  • Trao đổi với các thành viên trong team để hiểu rõ về nhau.

4. Điểm thú vị của BrSE

Trong 2 năm làm việc tại Nhật với vai trò là một BrSE, mình đã trải khá nhiều điều thú vị, nhưng trong nội dung bài viết mình xin chia sẻ 3 điểm mà mình thấy quan trọng nhất.

 

● Được làm việc với nhiều người hơn

Có lẽ so với một Developer thông thường thì công việc của BrSE đem lại cơ hội được giao tiếp, tiếp xúc với nhiều người hơn.

Trong trường hợp của mình, thì mình đã và đang làm việc với nhiều thành viên khác nhau như là:

  • Các thành viên thuộc bộ phận khác của công ty ( như bộ phận marketing, bộ phận kinh doanh, hay bộ phận vận hành )
  • Các thành viên team phát triển ở Hà nội
  • Leader (hoặc manager) của dự án
  • Các thành viên của team phát triển Nhật. ...

Có thể làm việc được cùng với các thành viên của cả Nhật Bản và Việt Nam, với tính cách đa dạng, nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Đó thực sự là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

 

● Bản thân có thể trưởng thành ở nhiều mặt

Ở phần trước mình cũng có chia sẻ rằng “BrSE có thể giao tiếp được với nhiều người”, thế nhưng thực ra mình vốn là người không giỏi lắm về giao tiếp. Từ khi trở thành một BrSE phải giao tiếp, trao đổi nhiều hơn, mình cảm thấy điểm yếu này đã được cải thiện dần.

 

Hơn thế nữa, ở công ty nhờ vai trò là một BrSE mà mình có cơ hội tham gia vào nhiều dự án. Và mình cũng được thay đổi team thường xuyên khi cần thiết. Trong mỗi team lại có cách làm việc khác nhau, và sử dụng những kỹ thuật khác nhau. Vì thế những khi thay đổi team, mình thấy cũng cần thay đổi cách làm việc và giao tiếp với các thành viên trong team để phù hợp hơn. Và cũng nhờ sự thay đổi đó mà mình cũng tích luỹ được nhiều hơn các kinh nghiệm mới, phương pháp làm việc mới.

 

Sau 2 năm làm công việc là một BrSE, chưa hẳn đã xuất sắc, nhưng mình cảm thấy nhiều năng lực của mình đã tăng lên đáng kể so với 2 năm trước đây.

Ví dụ như:

  • Năng lực giao tiếp
  • Năng lực làm việc nhóm
  • Năng lực đàm phán
  • Năng lực đưa ra quyết định
  • Năng lực thảo luận
  • Năng lực quản lý
  • Năng lực leader ship

 

● Cảm giác vui và hạnh phúc khi team của mình mình trở nên tốt hơn, các thành viên trong team trưởng thành hơn

Khi team đạt được kết quả tốt hơn, thành viên của team trưởng thành hơn, mình cũng cảm thấy như đó cũng có một phần công sức của mình. Đó là một cảm xúc tuyệt vời, mang lại cho mình động lực để bước tiếp trên con đường phía trước.

5. Những khó khăn trong công việc BrSE

Công việc BrSE có nhiều điểm thú vị như vậy, nhưng cũng có không ít những khó khăn. 

 

● Khó khăn trong giao tiếp

Như mình đã viết ở trên, một BrSE có thể có được nhiều cơ hội giao tiếp với nhiều người. Tuy vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mức độ khó của việc giao tiếp cũng tăng lên.

 

Mình hay lo lắng rằng:

  • “Làm thế nào để có thể truyền đạt được một cách chính xác hơn ý kiến của mình cho cấp trên người Nhật - khi mà có sự khác nhau giữa ngôn ngữ và văn hoá, cũng như về lĩnh vực hiểu biết? ”
  • “ Làm thế nào để có thể nắm bắt được và giải quyết tốt hơn các nguyên nhân hiểu lầm xảy ra giữa thành viên Nhật Bản và thành viên Việt Nam? ”
  • “Làm thế nào để có thể giải thích và chia sẻ được các thông tin, kiến thức liên quan đến kĩ thuật giữa các thành viên Nhật Bản và thành viên Việt Nam.”
  • ...

Mình nghĩ rằng cách để có thể cải thiện được những điều trên là “ phải trải nghiệm nhiều, hiểu ra, sau đó mới cải thiện nó ”

 

※ Nếu mọi người có quan tâm đến giao tiếp với đồng nghiệp người nước ngoài, thì có thể đọc bài mình đã viết trước đây nhé.

日本人の同僚とのコミュニケーションの壁を越える経験

 

● Khó khăn trong việc quản lý tiến độ làm việc của team

Tự quản lý tiến độ công việc của mình đã khó rồi, nhưng việc quản lý tiến độ công việc của team còn khó hơn nữa. 

 

Việc xây dựng kế hoạch công việc rất tốn thời gian. Tuy nhiên, không phải lập xong kế hoạch là dừng ở đó mà phải liên tục quản lý và điều chỉnh tiến độ. Đặc biệt BrSE phải nắm được tình hình của các thành viên ở xa, vừa phải giao tiếp lại vừa phải triển khai công việc, điều này thật sự rất khó và tốn công sức.

 

● Khó khăn trong việc quản lý công việc của chính bản thân, khi một lúc phải đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí khác nhau

Điều này có lẽ còn tuỳ vào vào công ty và tuỳ từng người, còn với mình hiện tại, ngoài việc đảm nhiệm công việc của BrSE, mình còn phải đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí khác.

 

Chính vì vậy, để hoàn thành được tất cả các task theo kế hoạch là rất khó. Trong khi, lúc nào cũng có khả năng phát sinh vấn đề. Tuy nhiên, nhờ những lúc như vậy mà mình nghĩ năng lực điều chỉnh và đàm phán của mình cũng được tăng lên, nhưng…. quả thật khá là mệt.

 

6. Những điểm cần chú ý về công việc BrSE

BrSE khó là như vậy nhưng là một công việc thú vị, đáng để mình trải nghiệm. Dưới đây là một số điểm mà mình thấy có thể có ích cho các bạn sẽ trở thành BrSE trong tương lai.

 

● Luôn ý thức về việc hoàn thiện các kỹ năng của bản thân

Đặc thù công việc của một BrsE đòi hỏi một người kỹ sư phải có rất nhiều các kỹ năng quan trọng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian... Các kỹ năng này không thể có ngay được trong ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình học hỏi và tích lũy lâu dài. Chính vì thế luôn ý thức về việc hoàn thiện các kỹ năng của bản thân là một yêu cầu quan trọng với một BrSE.

 

● Kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng

Phần lớn thời gian của BrSE là giao tiếp. Theo ý kiến của mình thì, khả năng giao tiếp là một yếu tố quan trọng nhất. Vì thế, BrSE nên xem việc hoàn thiện được kỹ năng giao tiếp là mục tiêu lớn nhất của mình.

 

● Không vội vàng, từng bước từng bước một, liên tục học tập nghiên cứu

BrSE đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng. Ví dụ như kiến thức kỹ thuật, ngôn ngữ và các kỹ năng giúp ích cho công việc.

 

Vì thế việc đạt được tất cả những điều này cần một quá trình phấn đấu lâu dài và bền bỉ; có lộ trình, thử nghiệm và trải nghiệm nhiều thất bại. Đừng quá nóng vội; hãy không ngừng học tập, cải thiện các kỹ năng để mọi thứ tốt hơn nhé.

 

● Xác định rõ động lực giúp mình duy trì và phát triển hơn

Thú vị cũng có, vất vả cũng có rất nhiều. Để không bỏ cuộc giữa chừng, bạn nên xác định rõ, và để ý đến động lực của bản thân, hãy trả lời những câu hỏi như : “Tại sao lại muốn trở thành BrSE?”,  “Những việc quan trọng gì mình muốn hoàn thành? ”.

 

● Luôn ý thức về sự phát triển của team

Công việc của một BrSE là làm việc với tất cả các thành viên trong team. Mình nghĩ rằng nếu các thành viên trong team không phát triển hơn, tốt lên từng ngày, thì công việc khó mà có thể thực hiện một cách thuận lợi. Chính vì thế, đối với BrSE, luôn phải coi trọng “việc hiểu rõ, và trong khả năng có thể giúp các thành viên trong team phát triển, tốt lên”.

 

7. Lời cuối

Mình đã và đang tiếp tục bước đi từng bước trên con đường để trở thành một BrSe tốt hơn nữa.

 

Ở công ty của mình, ngoài các dự án hiện tại, đã có nhiều các dự án mới, ý tưởng mới được đưa ra, và đang trong quá trình triển khai. Ở đó, mình ý thức được rằng vai trò của BrSE sẽ ngày càng quan trọng hơn, và phải tạo ra nhiều thành quả tốt hơn nữa. Vậy nên, mình nghĩ bản thân mình cần học hỏi nhiều hơn, thử thách nhiều hơn trên con đường mà mình đã chọn. Mình hy vọng bản thân sẽ trưởng thành hơn, luôn vui vẻ và không ngần ngại với các thử thách.

 

Hãy cùng cố gắng nhé!

Rất vui nếu được có cơ hội làm việc chung với mọi người!

 

Ảnh chụp với các thành viên của Tribal Media House Technology Lab

Ảnh chụp với các thành viên của Tribal Media House Technology Lab